Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Dưới chân tượng bác

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Phải công nhận nỗ lực “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình” của nước CHXHCNVN đạt kết quả: tốt, làm đúng hướng. Nhiệm vụ ngăn chận bọn “tàu lạ” xâm chiếm biển đảo, cướp của giết người, bắt ngư dân Việt đưa về nước chúng làm con tin đòi tiền chuộc, hay ngăn chận “người quen” mang hàng hóa rác rưởi, thực phẩm độc hại và đủ thứ hằm bà lằng tai ương vào tràn ngập trên đất liền Tổ quốc... không quan trọng bằng ngăn chặn người Việt vào báo mạng lề Dân. Sau ngày phòi ra đời cái văn thư hỏa tốc cấm đọc báo “viết sai sự thật...” của nhà cách mạng thần đồng đi bụi từ tuổi 12 Ếch Xà Mâu, dân mạng vào Danlambao từ chỗ “hơi bị” khó trước đây, nay chuyển sang “bị” khó vì tường lửa của đồng chí X dựng tứ tung bốn phương tám hướng không chừa một phương. Nhưng “cái khó ló cái khôn”! Không lên mạng đọc DLB được, thì lão xuống phố “thăm dân cho biết sự tình” vậy.

Theo em xuống phố trưa nay
đang còn chất ngất cơn say... (LUP)
Xuống phố dưới thời đồ đảng bây giờ cũng bị khó luôn; chẳng những khó mà còn khổ. Không cần loạng quạng cũng có thể lãnh dễ như chơi đủ thứ “bị”. Bị kết tội “nhận tiền của bọn phản động nước ngoài xuống đường nhằm mục đích lật đổ chính quyền của dân do dân vì dân và tại dân nên vẫn sống nhởn nhơ”; bị ăn dùi cui, đá đít móc túi, cướp điện thoại; bị đè cổ cho quan đại úy đạp mặt; bị giật nón dí đầu, bắt thẩy lên xe đi “phục hồi nhân phẩm”; bị trùm cho một cặp “bao cao su đã qua sử dụng” lên đầu để thụ tinh theo phương pháp đảng tạo, ôm “cái bầu” bảy năm quái thai như con... trai cố nhà thơ kiêm nhà “khai quốc công thần” Cù Huy Cận. Ôi thì đủ thứ “bị”, kể cả bị gậy. 

Nhờ có căn bản khăn quàng đỏ từ thuở nhi đồng cháu ngoan đã thấm nhuần lời ông bác (chôm chĩa được của Tuyên ngôn Độc lập thằng Mỹ) rằng, “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”, nên lão phải lo bảo trọng lấy tấm thân tuy nay rệu rã hom hem nhưng là cái vốn quý của Tạo hóa. Lão bèn mò đến đứng dưới chân tượng bác, nhưng rồi lão thấy nơi đây cũng không được an toàn như lão nghĩ, vì gặp toàn chị em gái đĩ. Y chang như lời ca dao mà lâu nay lão cứ cho là do bọn phản cách mạng chống phá tổ cò phịa ra để bôi xấu cha già dân tộc (làm) hộc máu cháu con chút chít chu chi: “Cần Thơ có bến Ninh Kiều, Dưới chân tượng bác đĩ nhiều hơn dân”. 

Biếm hoạ Hatka
Lão định tạt sang chỗ khác, nhưng biết đi đâu bây giờ? Lệnh trên đã phán rành rành: chỗ nào tụ họp trên 5 người cũng đều phải xin phép. Lão tặc lưỡi càm ràm... éo bà, cái “con tự do” gì cũng xin phép. Lão liên tưởng đến luật “chính chủ” mới ban hành, rồi lo cảnh xe lão bị hư. Muốn dùng xe vợ, cũng phải có giấy phép của chính (mụ) chủ, nhưng cầm trên tay giấy phép của mụ chủ chính trong nhà rồi mà lỡ phải “ra đi lúc trời vừa sáng”, đang còn mắt nhắm mắt mở, lại gặp khi mới thức giấc chưa tỉnh cơn mê mẩn, thần trí đang bị thần lèo nó ám, thần hồn bị thần lá (đa) nó úp, hoặc lúc gặp việc đột ngột ra đi gấp gáp, quên xách theo tờ chứng nhận mụ chính chủ xe kia là chủ của chính lão chứ không phải là chủ của Chú Phỉnh hàng xóm bên kia đường, tức là Giấy Kết hôn, thì cũng “có khả năng” bị các chú Bạn Dân nhan nhản đứng đầy đường, lớp chui đầu núp bụi rình rập, lớp phơi mặt lộ thiên chực chờ, túm được quất cho cái giấy phạt triệu bạc như chơi. 

Lão sắp xếp lại... tư duy. Ở đây, tức dưới chân tượng bác, tuy không an toàn về mặt tâm tư tình cảm đạo đức, khó mà thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực “gần mực thì đen”, gần đĩ thì đ... òi, nhưng lão cảm thấy được an toàn về mặt tư tưởng chính trị: 

Biếm hoạ Hatka
Lâu nay lão chỉ nghe Công an Nhân dân bắt bớ nhân dân “tụ tập” hô hát Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam, đả đảo giặc Tàu xâm lược; chỉ thấy CAND rượt đuổi, đánh đập, hốt lên xe, hay xô đẩy đến chết (như cụ bà Hà Thị Nhung) đồng bào đi kêu oan vì bị “nhóm lợi ích” (kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân hợp đồng tác chiến đánh đâu thắng đó; đánh nhỏ thắng nhỏ như xẻo đất hình tam giác lún phún cỏ của hai mẹ con bà Lài ở Cái Răng, Cần Thơ, như nhà chòi của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng; đánh lớn thắng lớn như cả xứ đạo Cồn Dầu, Đà Nẵng, cạnh quê hương chú Phạm Văn Đồng lừng danh với công hàm lịch sử phản quốc, gồm nhà thờ, nhà ở, thổ cư, thổ trạch, nghĩa trang) cưỡng chế mất nhà cửa đất đai. Chứ có bao giờ lão nghe thấy các chú ấy đụng chạm đến đạo quân chị em ta hàng hàng lớp lớp đứng tay vẩy mồm kêu chào hàng hằng đêm dưới chân tượng Bác này đâu. Thế là lão dứt khoát tư tưởng, kiên định lập trương, quyết bám trụ vào đấng cứu tinh vĩ đại sống mãi giữa đám chị em ta cho an toàn. 

Quả đúng như ông bà dạy, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đứng giữa chị em ta, lão mới ngộ ra lâu nay mình u muội, cứ nghĩ sai nghĩ xấu nghĩ oan cho chị em làm đĩ là hạng người chẳng ra chi, lòng dạ đã chai lỳ, không biết gì ngoài chuyện đi “nằm ụ” để lấy đồng tiền. Lão tự dưng không ai đập mà khai “Thưa các đồng chí chị em kính mến (có tiếng cười ồ lên), tôi xin nhận trách nhiệm trước chị em về khuyết điểm này, nhưng bắt chước chú Ba Ếch, báo cáo với chị em, tôi không hề chỉ đạo việc này... đâu nhá” 

Khi khám phá ra trong đám “dân cư” đang tụ tập dưới chân tượng Bác có một bộ phận không nhỏ tới đây họp chợ để bán “đồ nhà khó”, lão cứ tưởng mình ta đây là khách quý, hí hửng bụng bảo dạ thế nào cũng được chị em chào đón vồ vập, bù cho mụ vợ ở nhà già rồi mà còn bày đặt làm bộ ra vẻ coi thường lão. Nhưng không! Chả có ai để ý đến lão cả. Lão cụt hứng, đưa mắt nhìn mặt từng chị em thăm dò. Sao thấy mặt ai cũng buồn xo, đứng ủ rủ như thân cây chuối đã bị chặt đi quầy trái. Lão động tai. Thì ra, họ đang trao đổi với nhau về cô dâu Việt Nam, người đồng hương Cần Thơ, lấy chồng Hàn Quốc vừa mới ôm hai đứa con nhảy từ tầng lầu 18 tự tử chết cả ba mẹ con nơi khách quê người. 

Biếm họa Babui
Lão vội vểnh cái tai trái khi nào cũng kêu o o vù vù ít hơn (tai phải) do hậu quả trái B.41 made in china của cách mạng thụt suýt bay đầu lão cách đây bốn mươi ba năm, tập trung hết lòng hết trí khôn để lắng nghe lời người chị em ta kể. Đó là chị Võ Thị Minh Phương, sinh năm 1985, trú ấp Hòa Quế B, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, Cần Thơ. Cách đây 8 năm, cô Phương kết hôn với một người Hàn Quốc lớn hơn cô 20 tuổi, tên là Kim Yeong Hwa. Sau đó cô theo chồng về nước. Cô có được hai con, cháu gái 7 tuổi va cháu trai vừa lên 3. Như lời cô để lại trong thư tuyệt mệnh, lý do cô tìm cái chết là vì không còn chịu đựng được sự hành hạ của người chồng. 

Khi nghe kể đến tên Võ thị Minh Phương người Cần Thơ, bỗng một chị em trố mắt buột miệng: “Ồ tao nhớ con này hồi đó cùng lên Sài Gòn với tao và mấy chục đứa nữa đứng dàn thành một hàng ngang, trên mình không một mảnh vải, cho mấy tên Đại Hàn tuyển lựa. May mà tao không được trúng, về lại đây làm gái, đêm đêm ôm chân tượng bác đi khách mà phúc hơn con Phương này. 

Nhưng lại có giọng một chị em khác cắt ngang: Ồ chiện nhỏ. Đó chỉ là chiện hàng ngày ở huyện thôi cưng. Nội chị em đồng hương Cần Thơ mình lấy chồng Đài, chồng Hàn cũng đã bộn kẻ bất đắc kỳ tử. Chẳng hạn Lê Thị Kim Đồng, 21 tuổi quê huyện Cờ Đỏ lấy chồng Hàn chết ngày 30/4/2007 do bên chồng đánh; Trần Thị Lan, 22 tuổi, quê Cái Răng, cũng chồng Hàn, nhảy từ từng lầu 14 lầu tự vẫn ngày 6/2/3008 vì chịu không nổi áp lực; Thạch Thị Hoàng Ngọc, 20 tuổi, quê Cờ Đỏ, lấy chồng anh Đài Loan mắc bệnh tâm thần, bi chồng giết hồi tháng 10/2010; Hà Cẩm Tú, quê Ninh Kiều, cũng chồng Đài, tự tử bằng thán khí ngày 7/7/2011 vì khủng hoảng sau khi ly dị chồng. Phan Thị Kim Th. sinh năm 1982, quê Thái Lai, cũng chồng Đài luôn thì bị bạo hành kêu cứu về Việt Nam nhờ chính quyền can thiệp, không biết bây giờ số phận ra sao (*).

Đến đây, một chị em khác góp vào: 

Biếm họa Babui
Hôm rồi tao xem TV, thấy và nghe bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa An, nói: trung bình mỗi năm, xã có khoảng 20 trường hợp lấy chồng nước ngoài. Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang nhà mình cho hay toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 (mười ngàn) cô lấy chồng nước ngoài; trong đó có 6.000 (sáu ngàn) lấy chồng Hàn Quốc. Hầu hết vì lý do hoàn cảnh nghèo khó... 

“Toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 cô lấy chồng nước ngoài; trong đó 6.000 lấy chồng Hàn Quốc”! Lão nghe chát chúa hơn cả tiếng hỏa tiễn chống chiến xa bắn đúng pháo tháp thiết vận xa M.113 mà lão đang tựa một bên vai, thổi bay chân của người xạ thủ Đại liên 50 và thổi bay lão xuống ruộng lúa vừa gặt của xứ Rạch Giá năm nào. Lão không muốn nghe và cũng không nghe được nữa. Hai tai lão ù ù. Chỉ một tỉnh Hậu Giang nhỏ bé, diện tích 1.601 Km2 với dân số chỉ 802.799 người mà có đến những 10.000 thiếu nữ phải đi lấy chồng nước ngoài, “hầu hết vì lý do hoàn cảnh nghèo khó”, như lời Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang, bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, chứ không phải lời của cô sinh viên “phản động” Nguyễn Phương Uyên đâu nhá. 

Thật là chuyện không tài nào tin được, dù nó phát ra từ miệng bà Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang. Lão véo vào đùi mình xem tỉnh hay mơ. Rõ ràng lão đau điếng, mở mắt thao láo thấy mình vẫn đang đứng dưới chân tượng bác; lão nhìn lên thấy bác vẫn miệng tủm tỉm cười, vẫn tay vẩy vẩy khều khều nhìn xuống chị em má đỏ môi hồng. Hay là lão nghe lầm con số. Lão hỏi lại thì chị em ta vẫn khẳng định là Cần Thơ ta có 10.000 cô đi lấy chồng nước ngoài. Lão vẫn không tin là thực mà là mộng, lão nhắm mắt lại đưa tay véo. 

Lão nghe cái đốp vào mặt tá hỏa tam tinh, tiếp sau là tiếng quát tháo nhao nhao “cha già lựu đạn, không chịu “đi” mà đòi véo mông bà”. Lão hoảng hốt không tin chuyện mình làm. Lão xin lỗi rối rít. May mà đám chị em ta cũng có lòng nhân đạo, không dã man như các chú công an nhân dân, bà cụ già tay không chống gậy đi kêu oan, chúng cũng chẳng nương tay. Bây giờ thì lão mới tin là mình tỉnh chứ không phải là mơ. 

Cái tát cảnh cáo của chị em ta làm lão tỉnh hẳn. Lão khẳng định lão tỉnh táo. Nhưng lão vẫn không tin Cần Thơ có đến 10.000 thiếu nữ lấy chồng Hàn, chồng Đài. Lão còn lạ gì cảnh cũ người xưa nơi miền đất này. Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, với khoảng thời gian hơn một năm trời “dưỡng thương” tại số 1 Phan Đình Phùng, ngày nào lão cũng la cà khắp thành phố nhưng có bao giờ thấy cảnh chị em ta tụ tập nhộn nhịp như hôm nay dưới chân tượng đài anh già xứ Nghệ lạ hoắc; có bao giờ nghe nói đến chuyện thiếu nữ Cần Thơ lấy chồng nước ngoài vì hoàn cảnh nghèo khó; ngoại trừ dăm cô lấy chồng Mỹ thì nói đến thiên hạ đã bĩu môi. 

Biếm hoạ Hatka
Thời đất nước chưa được hoàn toàn giải phóng, sạch bóng quân thù, do ảnh hưởng bởi văn hóa đồi trụy, đồng bào miền Nam, điển hình là Cần Thơ được mệnh danh là Tây Đô - Thủ đô của Miền Tây - mới có tệ nạn xã hội như thế. Đã xấp xỉ 38 năm, nếu tàn dư Mỹ Ngụy có ngoan cố sống dai, thì cũng sống sót tí ti, èo ọt ngắc ngoải giãy chết, chứ sao lại sống hùng sống mạnh, sinh sôi nẩy nở chục ngàn lần thế này? Lão lại vẫn không tin được mình đang tỉnh táo đứng dưới chân tượng bác giữa đám chị em ta trên đất Cần Thơ thuở trước, ở tuổi thanh xuân, lão chỉ nghe thấy: 

Cần Thơ có bến Ninh Kiều 
Nữ sinh tha thướt sáng chiều sang sông 

Chứ đâu phải như bây giờ, Bến Ninh Kiều vẫn còn đó, nhưng 

Dưới chân tượng bác, đủ điều đắng cay 



___________________________________

(*) http://phunutoday.vn/xahoiol/doisong/201112/Nhung-co-dau-Viet-gap-nan-noi-xu-nguoi-2117963


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét